Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Hiệu quả từ chăn nuôi Ngựa Thanh Ninh

Fri May 03 16:05:00 GMT+07:00 2024

Vật nuôi ít bệnh tật, chi phí đầu vào thấp do tận dụng được nguồn thức ăn từ phụ phẩm các loại cây mầu được trồng ngay tại địa phương, đầu ra thuận lợi, giá cả ổn định... Đây là những lý do mà nhiều hộ chăn nuôi ở xã Thanh Ninh( Phú Bình) mở rộng mô hình chăn nuôi ngựa. Hướng đi đã giúp nâng cao thu nhập và hướng đến làm giàu cho các hộ chăn nuôi.

Với những ô chuồng trước đây chăn nuôi Lợn, gia đình anh Nguyễn Văn Thảo xã Thanh Ninh đã cải tạo thành chuồng chăn nuôi Ngựa. Anh Thảo cho biết: Trước đây gia đình anh chăn nuôi Lợn, nhưng do thường xuyên bị bệnh tật, nên năm 2019 anh đã chuyển hướng sang chăn nuôi Ngựa. Hiện nay, gia đình anh Thảo chăn 5 con Ngựa, trong đó có 2 con đã sinh sản. Trung bình, mỗi con Ngựa cái mang thai trong vòng 1 năm. Ngựa con sau khi đẻ ra, nuôi trong vòng 5 tháng sẽ được xuất bán với giá 20 triệu đồng. Theo anh Thảo nuôi Ngựa sinh sản chi phí đầu vào sẽ thấp hơn nuôi Ngựa thương phẩm, vì lượng thức ăn tiêu tốn ít hơn; vật nuôi được theo dõi, phòng bệnh đầy đủ nên ít bệnh tật…Sau thời gian nuôi Ngựa anh Thảo nhận thấy: Vật nuôi này có thể nuôi ghép ô chuồng, nên có thể chăn nuôi ở diện tích hẹp.

Chuồng chăn nuôi Ngựa được anh Thảo thường xuyên vệ sinh sạch sẽ

Được biết đến là người có thâm niên về chăn nuôi Ngựa đầu tiên của Thanh Ninh ông Vũ Văn Hùng xóm Đồng Trong xã Thanh Ninh cho biết: Gia đình ông chăn nuôi cả Ngựa thương phẩm và Ngựa sinh sản. Ông thường mua Ngựa ở các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng về để nuôi. Đối với Ngựa thương phẩm, ông thường nuôi không quá 3 tháng. Với nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, phụ phẩm nông nghiệp và một phần cám, thì mỗi tháng một con Ngựa có thể tăng 18 kg. Như hiện tại, giá ngựa hơi là 2 trăm nghì đồng một kilogam Ngựa hơi, mỗi tháng một con Ngựa cùng thu được 3,6 triệu. Sau khi Ngựa đến tuổi xuất chuồng, ông Hùng lại xuất bán cho các khách hàng tại các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên. 

Sau hơn 20 năm chăn nuôi Ngựa ông Hùng nhận thấy: Ngựa là vật nuôi dễ tính, ăn ít hơn Trâu, Bò và dễ chăn, trong khi các sản phẩm từ Ngựa đều tiêu thụ được hết. Nếu như xương Trâu, Bò sau khi thịt bị bỏ đi thì xương Ngựa lại rất dễ tiêu thụ và được giá. Nếu là Ngựa đỏ giá xương hiện tại cũng là 120.000 đồng/kg, xương Ngựa bạch là 400.000 đồng/kg. Một con Ngựa trung bình mỗi tháng cho thu lãi 1,8- 2 triệu đồng.

Cũng theo ông Hùng, để nuôi Ngựa thành công, thì khâu quan trọng nhất là phải đảm bảo cho ăn sạch, uống nước sạch, đồ ăn không nên để lưu cữu dễ gây bệnh đường tiêu hoá. Để đảm bảo chủ động nguồn thức ăn cho Ngựa gia đình ông Hùng đã dành hơn 1 mẫu ruộng và bãi trồng mầu để chuyên trồng cỏ cho Ngựa.

Hiện nay, gia đình ông Hùng đầu tư xây dựng 12 ô chuồng chăn nuôi Ngựa, công suất lấp đầy là 40 con. Hiện tại, ông đang có 23 con, trong đó có 12 con Ngựa thương phẩm, 8 con Ngựa sinh sản và 3 con Ngựa con. Cùng với chăn nuôi Ngựa, ông Hùng còn sản xuất các sản phẩm được chế biến từ ngựa như: Cao Ngựa, giò Ngựa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để hình thành vùng sản xuất hàng hoá, năm 2022 ông Hùng các các hộ chăn nuôi Ngựa đã thành lập HTX chăn nuôi Ngựa bạch Hùng Hậu. HTX hiện có 7 thành viên, với tổng đàn Ngựa thường duy trì từ 100-120 con. Để hỗ trợ các thành viên phát triển, HTX đã thực hiện hỗ trợ 20% giá giống cho các thành viên và bao tiêu sản phẩm khi các hộ có nhu cầu.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Thanh Ninh, đàn Ngựa của địa phương tăng dần theo từng năm. Nếu như năm 2021, chỉ có 70 con, thì đến thời điểm này là 130 con, gồm cả Ngựa bạch và Ngựa màu. Việc chăn nuôi Ngựa tập trung chủ yếu ở xóm Quán, Đồng Trong, Phú Yên…Ông Nguyễn Văn Tạc, Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh chia sẻ: Chăn nuôi Ngựa là hướng đi mà chính quyền dịa phương đang khuyến khích các hộ nông dân mở rộng. Để khuyến khích mô hình này phát triển, các cơ quan chuyên môn của huyện, chính quyền địa phương đã hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật. Cụ thể, năm 2023, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện đã hỗ trợ cho 5 hội viên nông dân trong xã vay 225 triệu đồng để thực hiện dự án “ Chăn nuôi Ngựa thương phẩm”. Thanh Ninh định hướng xây dựng sản phẩm được chế biến từ Ngựa trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trung của địa phương.

Nhiều hộ ở Thanh Ninh đầu tư cho mô hình chăn nuôi Ngựa

 

Nguyễn Chi
Trung tâm VH-TT&TT huyện Phú Bình

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2237008